Chọn Nghề Sinh Sống!

Huỳnh Quốc Bình

LTG: Tôi viết bài này để nêu ra vài nhận xét chủ quan của mình với hy vọng đóng góp cùng quý độc giả cái nhìn bao quát về việc chọn nghề sinh sống. Bài viết này không phải là giải pháp duy nhất hay loại “đũa thần” cho vấn đề tìm việc hay chọn nghề, nhưng người viết hy vọng rằng với những dữ kiện ai cũng đã biết sẽ được nhắc lại trong bài, với hy vọng giúp nhau thay đổi cách nhìn, tư duy, mà người Mỹ gọi là “mindset” (HQB)

Người Việt Nam có câu “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Câu này hàm ý rằng làm nghề nào cũng phải chuyên cần thì mới có sự tinh nhuệ để đạt thành công. Điều này không sai nhưng không phải thời nào cũng đúng. Ngày nay có những người sau khi mất công việc mà mình từng thích, từng học nhiều năm, từng theo đuổi nhiều Thập Niên, từng tin là mình sẽ theo nó đến ngày hưu trí v.v… Thì nay họ phải làm một nghề khác không hợp với khả năng chuyên môn hoặc sức lực của mình. Có những trường hợp còn “bi đát” hơn khi có người phải liên tục đổi nhiều nghề khác nhau, hầu có được số tài chánh nhất định để cứu vãn số tài sản mà họ còn thiếu nợ các nhà băng. Thái độ này là thức thời, là khôn ngoan, chứ không phải “hết thời” như một số người thường có cái nhìn sai lạc.

Nếu phải đứng trước thời điểm tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nhiều người mất việc làm nay muốn làm một công việc khiêm tốn nào đó cũng không xong; trong khi tiền thất nghiệp không còn, tiền trợ cấp không có, mà tiền nhà, tiền xe, tiền điện nước và những thứ thuộc loại “hụi chết” thi nhau kéo đến liên tục… Cho nên nếu cứ ngồi nhà chờ “chóp thơm” hay giữ “mặt mũi” hay “thể diện” thì trước sau cũng trở thành kẻ “vô sản”.

Riêng số đồng hương mới đến Hoa Kỳ lúc gần đây thì lại càng khó khăn gấp bội. Có người từng làm những nghề cao trọng bên quê nhà, từng dạy người khác, hay giữ những trách vụ cao về ngành kỹ thuật… Nhưng sau khi đến xứ người, vì ngôn ngữ bất đồng, vì chưa học được một ngành nghề chuyên biệt mới, nên họ phải chấp nhận làm nhiều nghề nặng nhọc khác nhau để duy trì cuộc sống gia đình. Có người trong vòng nửa năm mà phải mấy lần đổi việc. Đối với các trường hợp hay hoàn cảnh đáng thương này thì không thể giữ tinh thần “nhất nghệ tinh” để có thể “thân vinh” mà người ta phải lập tức thay đổi để tồn tại với đời.

Muốn có một nghề vững chắc thì phải học. Học ở trường theo kiểu “chính quy” thì tốt, không thì cũng phải học cách nào đó. Ở Mỹ này hầu hết các nghề tự làm chủ đều phải có giấy phép hành nghề (license). Chỉ có ăn cắp, ăn trộm, ăn chận, ăn quịt, ăn lường ở lận, ăn trên đầu trên cổ người khác, hay ăn gian nói dối… thì mới không cần chứng chỉ, bằng cấp, hoặc giấy phép.

Muốn có việc làm vững chắc, ai cũng phải kiếm cho mình một cái nghề (skill). Thí dụ: Nghề làm móng tay, nghề cắt tóc, xâm chân mày, gắn lông mi, cắt cỏ, nấu ăn cho nhà hàng, lắp ráp đồ điện tử… có nghề cần license, có nghề thì không. Những nghề này thời gian học hỏi không lâu nhưng đây là những nghề thuộc loại có “skill” và hái khá nhiều tiền. Nếu làm công lợi tức cũng hậu hĩ, còn làm chủ thì mau chóng dư giả nếu người đó có đầu óc thương mại.

Nghề lái xe bỏ pizza, bỏ báo, bán chợ trời, đổ xăng, chạy bàn hay rửa chén bát trong nhà hàng, làm công việc lặt vặt trong các chợ, siêu thị… đều là nghề lương thiện, nhưng đây không phải là nghề được xếp hạng có “skill”. Thường thì người ta chỉ làm những nghề này ngắn hạn hay nhờ đó làm “bàn đạp” hầu có thể tiến lên những nghề quan trọng hơn. Dù vậy, có người vì hoàn cảnh không “thoát” được những nghề khiêm tốn bởi không người hướng dẫn, hoặc kém may mắn, vì cao tuổi, hoặc do nhút nhát không dám làm một cuộc thay đổi, bởi họ ngại khi thay đổi, lỡ không xong thì lấy gì để sống?

Đối với các nghề như sửa xe, thợ hàn, thợ tiện, thợ điện, thợ kim hoàn, thợ may, thợ mộc, thợ nề, cán sự điện tử, thư ký văn phòng… là những nghề đòi hỏi thời gian học lâu hơn, nhưng có khi lại không kiếm nhiều tiền như nghề cắt tóc, làm móng tay, gắn lông mi, nhổ chân mày hay se lông mặt… thuộc lãnh vực làm đẹp cho con người.

Những nghề thuộc loại “bán” hay “mời gọi” có tính cách (services) như nghề cung cấp dịch vụ nhận thẻ tín dụng (Merchant Service) địa ốc (Real Estate), lo thủ tục vay tiền (Loan Officer), bán các loại bảo hiểm (Insurance Agent), cố vấn tài chánh (Financial Advice)… thì hầu hết phải có giấy phép của Tiểu Bang, tức là phải học và phải đậu hay phải vượt qua phần vấn đáp (Examination) của cơ quan trách nhiệm, trước khi hành nghề một cách hợp pháp. Những nghề này không nhất thiết phải có bằng cấp cao nhưng nếu chịu khó học hỏi, yêu nghề, trau giồi kiến thức, biết cách giải thích cho người mua biết rõ quyền lợi của họ, hướng dẫn thân chủ chọn đúng điều họ cần thay vì làm cho họ thích cái mà họ mua, tạo được lòng tin của thân chủ… Thì các nghề này, ngay lúc đi nghỉ hè hay du lịch, lợi tức dài hạn (residual income) vẫn tiếp tục đến với họ. Đây là những nghề có lợi tức vô hạn (Unlimited Income) có khi còn nhiều hơn gấp bội so với đồng lương của một kỹ sư, giáo sư hay bác sĩ.

Làm thương mại hay bất cứ nghề gì mà muốn thành công thì phải học hỏi, phải có “lá gan” và dám chấp nhận may rủi (take a risk). Nếu ai chỉ muốn làm cái gì cũng phải chắc ăn theo trường phái “ăn chắc mặc bền” thì đừng tính chuyện làm thương mại. Nếu ai có tánh im lặng, lười nói chuyện dù là xã giao thì không nên chọn nghề mua bán. Trong các nghề lương thiện có vài nghề không cần mở miệng nhiều, đó là nghề sửa đồng hồ và thợ kim hoàn. Hai nghề này cần chăm chú và im lặng thì mới làm xong việc một cách tốt đẹp… Chứ tất cả nghề còn lại đều đòi hỏi mọi người phải biết trao đổi và cười nói với khách hàng.

Theo sự suy nghĩ thô thiễn của người viết thì khi quyết định học một nghề hay chọn một nghề để bắt đầu rất quan trọng. Bởi có khi người ta dính vào một nghề nào đó rồi ngày này qua tháng khác không có điều kiện tìm một nghề khá hơn, cho dù cá nhân đó từng có kiến thức và khả năng, cho phép người ta có một nghề nhàn hạ, nhưng lại kiếm nhiều tiền hơn những nghề khác.

Người viết từng “dính” vào nghề kỹ thuật khoảng 25 năm. Lý do tôi dính lâu như thế là vì lúc mới đến Mỹ không ai cố vấn cho tôi chọn đúng ngành phù hợp với sở thích hay phù hợp với cá tính của tôi. Tôi không phụ nghề cũ từng giúp tôi nuôi sống gia đình mấy chục năm, nhưng đáng lẽ tôi phải chọn những nghề mà lợi tức phải luôn tăng cao theo khả năng làm việc của tôi, chứ không thể chờ mỗi hai tuần lãnh đồng lương do chủ đặt ra, cho dù đồng lương có đụng đến trần nhà cũng vẫn là bấp bênh. Có người làm việc miệt mài đến vài chục năm, bổng một ngày “đẹp trời” khi kinh tế thay đổi, chủ cho nghỉ hay cho lãnh số tiền “hưu non” không đủ mua thuốc đau lưng trong thời hưu hạ.

Nghề nào cũng là nghề, miễn sao chúng ta giữ được sự trong sạch, ngay thẳng. Tuy nhiên, nếu tìm được một nghề phù hợp với khả năng của mình và đồng lương hậu hĩ thì tại sao không? Ở vị trí của người viết, khi tôi đề cập đến chuyện “tiền bạc” rất dễ dàng cho mấy ông bà “thiêng liêng” nửa vời cho rằng tôi bàn làm chi chuyện vật chất. Nếu có ai gán ép tôi là kẻ thích nói chuyện vật chất tôi cũng không phiền, bởi ai cũng cần có tiền để sống.

Người đời có câu “thà cho vàng chứ không ai dẫn đàng đi buôn”. Câu này khá chính xác cho hầu hết mọi thời đại . Thật vậy, ít ai “ngu” để chỉ cho người khác nghề nào, hay điều gì mà họ tin là tốt, là có lợi nhuận cao… nhất là trong ngành mua bán. Tuy nhiên, ngày nay có những nghề muốn thành công cần phải làm với nhiều người. Người Việt Nam có câu “buôn có bạn, bán có phường”; riêng người Mỹ thì gọi là “cùng làm thương mại thành công” (Teamwork for business success) hay được gọi với cái tên vô cùng phổ thông đó là “Multi-level marketing” (MLM). Đây là những công việc lắm người hốt bạc mà cũng lắm người làm cho đả rồi “cốt khỉ hườn cốt khỉ”. Lãnh vực này đòi hỏi mình phải tìm hiểu cặn kẽ rồi hãy dấn thân để không mất thì giờ vô ích. (trong một bài khác tôi sẽ viết rõ thêm về cách làm ăn này)

Thời buổi này làm nghề gì mà phải bỏ nhiều tiền vốn, người ra rất ngại. Có những nghề không cần phải tốn bạc trăm ngàn, hay chục ngàn, mà chỉ cần tốn vài trăm đồng người ta cũng e dè, bởi vài trăm cũng là tiền. Có những nghề không cần vốn mà cần biết lắng nghe những người từng thành công “mách nước”. Nếu mình muốn học hỏi thì đừng bao giờ tỏ ra cái gì mình cũng hiểu biết hơn người, và nhất là có “can đảm” để  làm một sự thay đổi trong ngành nghề. Nếu có người tử tế hướng dẫn tận tình và nếu người ta đã thành công thì tại sao mình còn nghi ngờ? Điều gì người ta làm được thì tại sao mình lại không làm được, khi mà những thứ đó nằm trong tầm tay của mình? Dám hay không dám đều đến từ não bộ hay “lá gan” của chúng ta mà thôi.

Kết luận: Trong xã hội không thiếu những cá nhân vì may mắn hoặc do vây cánh hay “chó ngáp phải ruồi” nên được một cái nghề có vẻ “cao sang” nên họ không ngần ngại mở miệng đánh giá nghề của người khác là “hạ cấp”, “cu li”. Xét cho cùng thì nghề nào cũng phải đổ mồ hôi và nước mắt để có tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Chứ không giống những kẻ dù làm những nghề trông rất “cao sang” nhưng lại có hành động gian dối, lươn lẹo đáng gọi là hạ cấp. Nghề nào cũng tốt cả nhưng chỉ khác nhau ở chỗ mà người Mỹ thường nói: “làm việc bằng trí khôn chứ không phải làm theo kiểu cực nhọc”, (work smart not work hard).

Ai chưa có việc làm hoặc không hài lòng với công việc mình đang có và muốn tiến cao hơn thì hãy bày tỏ ước muốn của mình với những người tử tế mà mình quen thân, để nhờ người ta hướng dẫn hay mách cho mình những công việc nào đó. Đừng chờ đợi lúc mình giỏi rồi mới bắt đầu, mà hãy bắt đầu để đạt thành công, giống như ông Zig Ziglar người làm thương mại thành công và cũng là nhà diễn thuyết đại tài tại Hoa Kỳ đã nói: “You don’t have to be great to start, but you have to start to be great”.

Nghề nào cũng là nghề nhưng nếu muốn thành công thì chúng ta phải yêu nghề và phải hảnh diện về cái nghề mà mình chọn để sinh sống.

Huỳnh Quốc Bình

 

 

 

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Discover WordPress

A daily selection of the best content published on WordPress, collected for you by humans who love to read.

Longreads

Longreads : The best longform stories on the web

The Daily Post

The Art and Craft of Blogging

WordPress.com News

The latest news on WordPress.com and the WordPress community.

%d bloggers like this: