Nguồn Gốc các Ðảng Phái & Thể Thức Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ – Nền Tảng của Chế Ðộ Cộng Hòa

William Hoàng (MD, USA)
*
Những đóa huyết hoa Tự Do và Dân Chủ đã nở rộ vào cuối thế kỷ 18 chào mừng sự ra đời của hai thể chế cộng hòa đầu tiên trên thế giới là Hoa Kỳ (1776) và Pháp (1789).

Những đặc điểm cơ bản của thể chế cộng hòa dân chủ pháp trị là:

(1) Pháp luật phải được thượng tôn.
(2) Chủ quyền của quốc gia là thuộc của toàn dân.
(3) Quyền đầu phiếu để tuyển chọn những người điều khiển chính quyền.
(4) Tôn trọng Nguyên tắc đa số (Rule of Majotity) để xác định nhân vật trúng cử.

Vấn đề quan trọng trong chế độ cộng hòa dân chủ pháp trị là: làm sao dung hòa một cách khôn ngoan các ý kiến dị biệt; làm sao có nhiều người tham gia bầu cử; và làm sao sự lựa chọn của đa số là sự lựa chọn chính xác.

Ðể dung hòa các ý kiến dị biệt, nhiều cuộc thảo luận, tranh luận sâu rộng đã được mở ra cùng với nhiều bài bình luận sắc bén xuất hiện trên các báo chí, truyền thông để quần chúng phán xét.

Ðể có nhiều người tham gia bầu cử, nhiều nỗ lực cải cách về văn hóa và giáo dục nhằm nâng cao trình độ nhận thức đã được hình thành nhờ đó mà càng ngày càng có nhiều người có ý thức hơn về quyền hạn và bổn phận của một công dân tốt và sự lựa chọn của đa số có giá trị hơn.
Chính trong ý hướng giáo dục này, cố Tổng Thống Kennedy đã kêu gọi: “Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn. Hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước” (Ask not what your country can do for you. Ask what you can do for your country.)

Thật vậy, đa số quần chúng hiện nay ít chịu ghi danh đi bầu là bởi vì trình độ nhận thức còn thấp kém nên ý thức về dân chủ chưa phát triển và vì thế mà sự lựa chọn của đa số chưa chắc đã là đúng đắn. Thể thức đầu phiếu và nguyên tắc đa số đã bị các chính quyền độc đoán lợi dụng trong đó điển hình là các chính quyền Cộng Sản: đại đa số người dân bị cưỡng bách đi bầu và họ chỉ nhắm mắt bầu cho những ứng cử viên đã được nhà nước lựa chọn trước. Đó là biểu ngữ: “Đảng Cử, Dân Bầu”.

Riêng tại Hoa Kỳ, chính quyền thực hiện đủ mọi cách để nâng cao ý thức dân chủ để người dân tự nguyện tham gia bầu cử và đồng thời để bảo đảm cho nguyên tắc đa số được có giá trị cao.

Hiến pháp và luật lệ Hoa Kỳ quy định việc bầu Tổng Thống được chia làm hai giai đoạn:

(1) Phổ thông đầu phiếu hay tổng tuyển cử để toàn dân bầu các vị đại diện đi bầu Tổng Thống (và PTT).
(2) Các vị đại diện đó (Cử Tri Đoàn) sẽ đi bầu TT và PTT.

Phương thức bầu TT & PTT của Hoa Kỳ tuy chưa được hoàn hảo nhưng nó thực sự tạo cơ hội cho tất cả những vấn đề hiện hữu thiết yếu cho xã hội đều được đem ra mổ xẻ trước công luận, nhờ đó mà ý thức dân chủ được nâng cao hơn và dân chúng càng ngày càng tham gia các cuộc bầu cử một cách có ý thức hơn.

Năm 1992 có khoảng 189 triệu cử tri hợp lệ, nhưng chỉ có 101 triệu người thực dự đi bầu; tỉ lệ 52%.
Năm 1996 có khoảng 196 triệu cử tri hợp lệ, nhưng chỉ có khoảng 96 triệu đi bầu;tỉ lệ 49%.
Năm 2000 có khoảng 205 triệu cử tri hợp lệ nhưng chỉ có khoảng 105 triệu đi bầu; tỉ lệ 51%.
Năm 2004 có khoảng 215 triệu cử tri hợp lệ, nhưng chỉ có khoảng 120 triệu đi bầu; tỉ lệ 57%.
Năm 2016 có khoảng 146 triệu cử tri hợp lệ, nhưng chỉ có khoảng 130 triệu người đi bầu.

Số người tham gia bỏ phiếu ở HK ngày một gia tăng, nhưng vẫn còn thấp so với các nước như Bỉ, Thụy Sĩ, Ðức, Pháp, Anh, Nhật, và Do Thái.

Các cuộc thăm dò cho biết: con số cử tri chính gốc Mỹ thực sự đi bầu không cao là bởi vì phần đông đã hài lòng với thực trạng (status quo), có nghĩa là nói chung đa số hài lòng với cuộc sống hiện hữu có tổ chức khá chu đáo.

Tuy nhiên, cứ mỗi 4 năm, các cuộc thăm do cho biết đa số người Mỹ không hài lòng lắm với sự kéo dài các cuộc vận động, với chiến thuật vận động nói xấu nhau, với tầm cỡ của các ứng viên, và với ảnh hưởng của của các cuộc đóng góp cho vận động. Dù sao, đó cũng là một cách để thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng cho có hào hứng và gây quỹ đấy chứ.
*
Nguồn Gốc Xuất Phát Hai Chính Ðảng tại Hoa Kỳ

Vào năm thứ tư của nhiệm kỳ tổng thống, toàn quốc Hoa Kỳ lại mở ra một cuộc tranh cử chức vụ Tổng Thống và Phó Tổng Thống.
Theo Hiến Pháp thì ai cũng có thể tự đứng ra tranh cử chức vụ cao nhất nước Mỹ này. Nhưng thực tế thì nhân vật ra tranh cử phải là người được đảng đưa ra. Hoa Kỳ có nhiều đảng nhưng chỉ có hai đảng lớn có nhiều đảng viên nhất là Ðảng Cộng Hòa và Ðảng Dân Chủ. Hai đảng này xuất phát từ đâu?

Sơ Lược về Nguồn Gốc và Vai Trò của các Ðảng Phái ở Mỹ

Sau khi Hiến Pháp HK được ban hành, các phe phái chính trị mọc ra ở khắp các tiểu bang làm cho không khí chính trị của Hoa Kỳ trở nên ngột ngạt. Các chính khách có uy tín bắt đầu phải nghĩ đến một phương thức sinh hoạt chính trị để tránh những tình trạng xã hội bất ổn như đã xẩy ra ở Pháp, Ðức, Ý, Áo, v.v mà nguyên nhân là vì có quá nhiều phe phái chính trị kình chống nhau.
Qua những bài học chính trị đó từ Âu Châu, các nhà thế lực ở Mỹ quyết định tìm cách liên kết các đảng nhỏ lại và cơ bản chia làm hai đảng chính.

Ðảng được định nghĩa là một nhóm người hoạt động chính trị một cách hợp pháp và nhằm mục đích đưa đảng viên ra tranh cử để nắm chính quyền.

Ðảng khác với phe phái ở chỗ phe phái chỉ là một nhóm người trong một tổ chức nào đó cấu kết với nhau nhằm bảo vệ một chính sách riêng. Chẳng hạn, trong Ðảng Dân Chủ có phe bảo thủ; trong Ðảng Cộng Hòa có phe tự do. Ðầu óc phe đảng thực tế làm sứt mẻ tình đoàn kết trong đảng.

Sinh hoạt đảng ở Mỹ khác hẳn với sinh hoạt đảng của nhiều nước khác ở chỗ đảng viên không phải tuyên thệ trung thành với đảng, không phải đóng đảng phí gì cả, và muốn ra hay vào lúc nào cũng OK.

Nguồn Gốc của Các Ðảng Phái ở Hoa Kỳ

Khởi thủy, trước thời kỳ có Hiến Pháp (Mar. 4, 1789), Hoa Kỳ có hai nhóm chính trị chính:

1. Nhóm ủng hộ chế độ liên bang nhằm có một chính quyền tập trung mạnh. Nhóm này lãnh đạo bởi Alexander Hamilton.
2. Nhóm chống chế độ liên bang vì sợ chánh quyền tập trung sẽ đưa đến độc tài.
Sau khi Hiến Pháp HK được phê chuẩn, nhóm này liền sáp nhập với Nhóm Cộng Hòa đề thành lập Ðảng Cộng Hòa Dân Chủ – Democratic-Republican Party – do Thomas Jefferson lãnh đạo.

Sự tồn tại của các nhóm chính trị dẫn tới sự hình thành của các chính đảng và sự xuất hiện các đảng đã khiến cho Tổng Thống George Washington thời đó – người đã nhìn đảng phái như là một mối đe dọa cho sự thống nhất quốc gia với quan niệm chính quyền là của toàn dân – đã đưa ra nhận định rằng: “Dân tộc Mỹ có thể sẽ rơi vào nguy cơ tan rã vì ảnh hưởng độc hại của tinh thần đảng phái.”

Lời tiên đoán này được coi như là đúng trong Cuộc Chiến VN diễn ra (1954 – 1975): hai đảng đã dùng mọi thủ đoạn để giành quyền lãnh đạo quốc gia và nước Mỹ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có và cuộc khủng hoảng này đã làm cho uy tín của Hoa Kỳ xuống tới mức thê thảm. Nhưng cũng nhờ vậy mà các nhóm lãnh đạo HK đã có một bài học quý giá là cần phải đặt quyền lợi của quốc gia trên quyền lợi của đảng và muốn như vậy, hai đảng phải hợp tác một cách khôn ngoan để cùng chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo chính quyền. Tư duy chính trị này đã được khai triển sau Cuộc Chiến VN. Hai đảng tuy bề ngoài tỏ ra đối kháng, nhưng bên trong, các chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi của nước Mỹ vẫn là đặt lên trên hết.

Chính Thomas Jefferson, vốn không ưa các đảng chính trị, cũng phát biểu rằng: “Nếu tôi có thể lên được Thiên Ðàng trừ phi tôi đi với một đảng, thì tôi sẽ chẳng muốn lên đó đâu.” (coi: American Government and Politics Today, 1996- 1997, tr. 257). Tuy nhiên, sự hình thành các đảng là nhu cầu tất yếu phải có trong một quốc gia dân chủ và tự do nhằm ngăn chặn khuynh hướng độc đoán của đa số giới cầm quyền.

Sự thật là: nếu đã theo thể chế dân chủ thì phải tôn nguyên tắc đa số (rule of majority). Nhưng đa số ở đây phải là đa số nào? Toàn bộ dân chúng như trong phổ thông đầu phiếu hay chỉ là một số đại diện của dân chúng như trong Ðại Cử Tri Ðoàn (Electoral College)? Rõ ràng là sự lựa chọn của đại đa số quần chúng thì rất dân chủ nhưng lại kém giá trị chính xác vì quần chúng gồm đa số là những người kém hiểu biết và không chuyên môn.

Ðảng Dân Chủ ngày nay xuất phát từ nhóm Dân Chủ Cộng Hòa (1792) của Jefferson, người chủ trương có sự kiểm soát của công chúng đối với chính quyền.

Ðảng Cộng Hòa ngày nay ra đời từ năm 1854 do sự bất đồng ý kiến giữa Nhóm Whig Dân Chủ và Nhóm Ðất Tự Do (Free Soil) của các tổ chức chống chế độ nô lệ.

Ngoài hai Ðảng Dân Chủ và Cộng Hòa, Hoa Kỳ còn có một số đảng khác ít quan trọng như Ðảng Ðộc Lập Hoa Kỳ (American Independent) mới hình thành trong vài thập niên; Ðảng Lao Ðộng Xã Hội Chủ Nghĩa (Socialist Labor Party) có từ 1877; Ðảng Xã Hội Chủ Nghĩa (Socialist Party) có từ 1901; Ðảng Cộng Sản có từ 1919; Ðảng Công Nhân Xã Hội Chủ Nghĩa có từ 1938; Ðảng Tự Do Libertarian Party) có từ 1972 và hiện nay vẫn còn là một đảng nhỏ quan trọng.

Vài nét nội dung của vài đảng

Ðảng Dân Chủ (Democratic Party): đảng tượng là con Lừa. Chủ trương: Cải thiện phẩm chất giáo dục; giúp đỡ giới lao động; giới hạn sở hữu vũ khí cá nhân; bảo hiểm y tế với giá trung bình; gia tăng quyền kiểm soát của người dân đối với chính quyền. Liên lạc: (916) 442 – 5707; http://www.cadem.org

Ðảng Cộng Hòa (Republican Party): biểu tượng là Con Voi. Chủ trương: Giảm thuế và cải thiện giáo dục; thực hiện giấc mơ của người Mỹ (triệu phú); phục vụ quân đội để bảo vệ tổ quốc. Liên lạc: (818) 841- 5210; http://www.cagop.org

Ðảng Cải Cách (Reform Party): biểu tượng là Chuông Tự Do. Chủ trương: kiểm soát các hoạt động của chính quyền nhằm phát huy tinh thần chính quyền là của dân, bởi dân, và vì dân. Mậu dịch công bằng hơn là mậu dịch tự do. Liên lạc: (925) 676 – 1687 ;
http://www.ReformPartyofCalifornia.org

Ðảng Ðộc Lập Hoa Kỳ (American Independent Party): biểu tượng là Chim Ưng. Chủ trương: tôn trọng Hiến Pháp, bảo vệ tài sản của dân, thiết lập quốc phòng mạnh, hủy bỏ NAFTA, WTO, ngăn chặn di dân bất hợp pháp, không đánh thuế lợi tức, hủy bỏ IRS. Liên lạc: (619) 460- 4484

Ðảng Cây Xanh (Green Party): đảng tượng là Lá Cây. Chủ Trương: phát huy công bằng xã hội và kinh tế; bảo vệ quyền của phụ nữ; bảo vệ môi trường; cải tổ thẻ lệ bầu cử để tất cả mọi người đều được đại diện. Liên lạc: (916) 448- 3437; http://www.cagreen.org

Ðảng Tự Do (Liberty Party): biểu tượng là Tượng Nữ Thần Tự Do. Chủ trương: hủy bỏ chế độ nô lệ; hạn chế quyền hạn của chính quyền; Tôn trọng chính kiến cá nhân; Cải thiện ngành giáo dục; khuyến khích cạnh tranh, ganh đua; chống ma túy; cắt giảm ngân sách. Liên lạc: (877) 844- 1776. http://www.ca.lp.org

Ðảng Luật Thiên Nhiên (Natural Law Party): biểu tượng là hình trái địa cầu. Chủ trương: đề phòng hiểm họa trước khi chúng xẩy ra; Dựa vào luật của thiên nhiên để đưa ra các chính sách cải tiến xã hội; Hướng giáo dục vào mục tiêu phát huy mọi khả năng của học sinh. Liên lạc: (831) 425- 2201; http://www.natural-law.org

Vai Trò của Ðảng

Ðảng được tổ chúc nhằm thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Tuyển mộ các ứng viên cho các chức vụ công quyền.
2. Tổ chức và điều hành các cuộc tuyển cử.
3. Trình bày các chính sách để cử tri lựa chọn.
4. Chấp nhận lãnh đạo chính quyền.
5. Hành sử như một đảng đối lập đối với đảng cầm quyền.

Tổ Chức Ðảng Cấp Toàn Quốc

Tổ chức các đảng có nhiều tầng và có đặc điểm là “Không có một cấu trúc chỉ huy nào trong các chính đảng”. Tại mỗi đơn vị địa dư, đảng có khuynh hướng tự quản. Mỗi đảng đứng trên hết là Tổ Chức Toàn Quốc có nhiệm vụ tổ chức Ðại Hội Toàn Quốc mỗi 4 năm. Mục tiêu của Ðại Hội Toàn Quốc là đề cử những ứng viên tổng thống và phó tổng thống và đưa ra bản đề cương (platform) trình bày các dự án nếu đảng nắm quyền.

Tại Ðại Hội Ðảng, mỗi đảng bầu ra một Ủy Ban Thường Trực Toàn Quốc (UBTTTQ). Ủy ban này có nhiệm vụ điều hành và phối hợp các hoạt động của đảng trong 4 năm. Một trong những nhiệm vụ của UBTTTQ là phê chuẩn sự đề cử ứng viên Tổng Thống và Phó T.T. Về cơ bản, vị Chủ Tọa và UBTTTQ chỉ đưa ra kế hoạch vận động tranh cử, tổ chức đại hội, và tiếp nhận tài chánh.

Tổ Chức Ðảng tại Tiểu Bang

Hoa Kỳ có 50 tiểu bang cộng với một số lãnh thổ và Quận Columbia. Mỗi chính đảng có cùng một số tổ chức đảng bằng nhau. Như vây, toàn quốc HK có hơn 100 tổ chức đảng cấp tiểu bang. Các tổ chức này có nhiều nét tổ chức như nhau. Nói chung, mỗi đảng tại tiểu bang có một chủ tọa, một ủy ban thường trực, và một số tổ chức địa phương. Mỗi ủy ban trung ương đảng tại tiểu bang thường gồm có những đại diện khu quốc hội, khu tư pháp, hay hạt (county) có nhiệm vụ thi hành những quyết định chính sách của đại hội đảng.

Tổ Chức Ðảng tại Thôn Quê

Tổ chức thấp nhất của guồng máy đảng là những tổ chức tại những địa phương được hỗ trợ bởi các nhà lãnh đạo cấp quận, phường, hay khóm. Phần lớn các công việc của đảng tại địa phương được điều hợp bởi các chủ tọa và các ủy ban cấp hạt. Các tổ chức đảng tại địa phương như thành phố, thị xã, hay quận đóng góp rất nhiều cho các cuộc vận động tuyển cử.

Vai Trò của Các Ðảng Nhỏ

Nếu không muốn sáp nhập vào các chính đảng thì các đảng nhỏ (ít đảng viên) có thể hoạt động bình thường nhưng khó tranh đua với các đảng lớn trong các kỳ tuyển cử. Tuy nhiên các đảng nhỏ cũng có vai trò đáng kể trong chính trường. Chẳng hạn, nam 1992, cuộc thắng cử của Bill Clinton cũng là nhờ số phiếu bầu cho H. Perot làm cho số phiếu bầu cho George Bush bị thiếu hụt. Perot thực sự không phải là ứng cử viên của đảng thứ ba, hơn nữa ông ta lại là người chống tình trạng đảng phái và ông tấn công luôn cả hai chính đảng cho rằng cả hai chính đảng khư khư bảo vệ quyền lợi riêng của đảng và các chính sách thiếu hiệu quả. Perot nhờ đó đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cử tri giới trẻ và cử tri độc lập. Nhưng sự hiện diện của Perot lúc đó liệu có phải cũng là do sự sắp xếp của các nhà dạo diễn chính trị đằng sau sân khấu Nhà Trắng không?

Tóm lại, chế độ lưỡng đảng ở Hoa Kỳ được hình thành nhằm tránh sự bất ổn cố chính trị gây ra bởi vì có quá nhiều đảng phái ở trong một quốc gia. Chế độ đó tuy chưa phải là hoàn hảo nhưng thực tế trong hơn 200 năm qua, chế độ đó đã giúp cho sinh hoạt chính trị của HK tương đối ổn định và quyền tự do, dân chủ càng ngày càng được phát huy qua con số cử tri tham gia các cuộc bầu cử càng ngày càng gia tăng.

Tinh thần phe đảng tuy là một thực tế cần thiết để giành thắng lợi, nhưng những người mang tinh thần phe phái cần phải tránh thái độ cực đoan để biết nhường bước trước quyền lợi tối cao của đất nước. Chính với ý thức này mà Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain, nguyên ứng viên tổng thống, đối thủ của ông Bush, đã không chậm trễ tuyên bố ủng hộ Thống Ðốc George W. Bush trong cuộc chạy đua vào Tòa Nhà Trắng nhiệm kỳ 2001- 2004. Sự kiện này nói lên tinh thần “hòa nhi bất đồng” của người quân tử trong thời đại mới này.

Thật thế, kể từ sau Cuộc Chiến VN (1954- 1975) sự kèn cựa tiêu cực giữa hai chính đảng đã giảm sút rất nhiều. Dường như đã có một sự liên kết chính trị tích cực hơn trong những năm qua trong đó Ðảng Dân Chủ tuy đã nắm đa số tuyệt đối nhưng những chính sách của T.T. Bush vẫn được quốc Hội thông qua như không có gì xẩy ra. Sự thực sự giai đoạn dàn hòa giữa hai chính đảng đã được ông McNamara hé lộ trong cuốn hồi ký In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam ( 1995, tr. 442- 445) của ông như sau:

Chúng ta có lý do để tin rằng trong thế kỷ 21 sẽ không phải là thế kỷ buồn thảm, sẽ không có cảnh tàn sát để thêm 160 triệu người nữa phải chết … Ðây không phải là một giấc mơ mà là một mục tiêu vững vàng. Là một đại cường quốc có sức mạnh và ảnh hưởng đến những biến cố trên thế giới, chúng ta đã không thể dàn hòa với nhau; nhưng nếu chúng ta cố gắng đạt tới điều đó thì cũng được chứ?
~ * ~

Thề Thức Bầu Tổng Thống và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ

Hiện nay, cách thức bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ là cách gián tiếp, nghĩa là người dân không trực tiếp bỏ phiếu bầu TT, mà chỉ bầu ra những vị đại diện thay mặt mình bầu Tổng và Phó Tổng Thống.

Vị đại diện này gọi là đại cử tri (elector). Toàn quốc Hoa Kỷ có 538 đại cử tri nhóm lại thành một đoàn gọi là Ðoàn Ðại Cử Tri (Electorial College).

Các nhà soạn lập ra Hiến Pháp HK biện minh rằng sự lựa chọn này là nhằm tránh sự kích động lớn lao có thể xẩy ra nếu toàn thể dân chúng trực tiếp tham gia bầu cử. Hơn nữa, họ muốn rằng sự lựa chọn sẽ được thực hiện bởi một số ít người được coi là trầm tĩnh và có lý luận hơn.

Nhân vật ra tranh cử chức vụ TT và PTT phải xây dựng cho mình uy tín, tài chính, kết bạn, và gây cảm tình với giới truyền thông. Ðảng sẽ căn cứ vào các thành tích đó để chọn làm ứng viên tổng thống và phó tổng thống tại đại hội đảng toàn quốc.

Ðiều Kiện Ứng Viên Tổng Thống và Phó Tổng Thống

Trước hết các ứng viên phải hội đủ các điều kiện luật định. Ứng viên TT: sinh tại HK; tới tuổi 35; cư ngụ tại HK được 14 năm . Ứng viên PTT: sinh tại HK; tới tuổi 35; không cư ngụ cùng tiểu bang với ứng viên TT.

Các ứng viên ra tranh cử phải bỏ nhiều công sức để xây dựng uy tín và tài chính cho mình. Ông Clinton đã bỏ nhiều năm để gây quỹ, kết bạn, và thuyết phục báo chí rằng mình là nhân vật (Thống Ðốc) sáng chói, có hiệu năng, và ôn hòa.

Kế đó, các ứng viên phải có kế hoạch vận động để được lựa chọn chính thức làm ứng viên.

Tiến Trình Bầu Cử Tổng Thống

Năm bầu cử (năm thứ tư của nhiệm kỳ tổng thống) diễn ra từ tháng Một đến tháng Mười Hai và chia ra làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn I: Vận Ðộng Tuyển Cử và Tuyển Cử Sơ Bộ hay Họp Kín (Caucus)

Vận động và tuyển cử sơ bộ (primary cam paigns and primary elections) khởi sự từ tháng Một đến tháng Sáu của năm bầu cử. Bang nào không tổ chức tuyển lựa sơ bộ sẽ có các buổi họp kín. Họp kín là buổi họp giữa các vị lãnh đạo đảng ở địa phương nhằm chọn lựa các đại biểu đi tham dự đại hội đảng để chính thức tuyển chọn ứng viên TT và PTT.

Ðây là giai đoạn dành cho các cá nhân tự do hay của các đảng viên ghi danh tranh chức vụ TT, đi vận động gây quỹ, và trình bày các chính sách cơ bản của mình khi nắm chức vụ TT. Một số người sẽ tự động rút lui khi số tiền gây quỹ không đạt yêu cầu.

Trong giai đoạn này, các đảng viên được khuyến khích lựa chọn các đại biểu đi dự Ðại Hội Ðảng.

Giai đoạn II: Tái Vận Ðộng và Ðại Hội Ðảng

Các cuộc vận động tuyển cử lại được hâm nóng vào ngày Lễ Lao Ðộng (Ngày Thứ Hai đầu tiên của Tháng Chín) và rồi các đảng sẽ tổ chức Ðại Hội Ðảng để chung kết tuyển chọn ứng viên ra tranh cử chức vụ Tổng Thống và Phó Tổng Thống.

Ngày Ðại Hội Ðảng (National Convention) có thể thu hút tới vài ngàn người tham dự trong đó có số đại biểu đến từ các tiểu bang. Con số đại biểu của tiểu bang bằng với số nghị sĩ và dân biểu tiểu bang đó. Thí dụ, California có 55 đại biểu; Texas có 34 đại biểu; New York có 31 đại biểu; Florida có 27 đại biểu; v.v. Ðặc biệt, Alaska, Delaware, và Washington, D.C. mỗi bang có 3 đại biểu.

Ðại Hội Ðảng kéo dài 4 ngày:

Ngày một: trình bày chính sách của đảng và đồng thời công kích đường lối của đảng khác.
Ngày hai: báo cáo của các ủy ban trong đảng.
Ngày ba: bỏ phiếu chọn Ứng Viên Tổng Thống.
Ngày bốn: chọn Ứng Viên Phó Tổng Thống.

Giai đoạn III: Tổng Tuyển Cử
Mỗi bang, trong năm bầu cử, tuyển lựa đại cử tri (elector) dựa theo luật của tiểu bang và của bộ máy đảng.

Phần lớn các bang lựa đại cử tri bằng đại hội đảng. Riêng California, Quận Columbia, Florida, Louisiana, Massachusetts, Missouri, Motana, New Jersey, New York, Pennsylvania, South Carolina, và Tennessee thì chọn đại cử tri bằng Ủy Ban Trung Ương Ðảng. Tại Arizona và Maryland, đảng tuyển chọn đại cử tri.

Toàn quốc, các công dân Mỹ có ghi danh đầu phiếu sẽ đi bầu để tuyển chọn danh sách các đại cử tri do các đảng thiết lập. Ngày đi bầu này gọi là Ngày Tổng Tuyển Cử (General Election Day) và được ấn định vào ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng Mười Một.

Ðoàn Ðại Cử Tri (Electorial College) gồm 538 vị ứng với số 100 Thượng Nghị Sĩ + 435 Dân Biểu + 3 đại cử tri của Quận Columbia. Mỗi bang có số đại cử tri bằng với số nghị sĩ của bang (2) cộng với số dân biểu của bang.

Giai Ðoạn IV: Bầu Tổng Thống và Phó Tổng Thống

Ðoàn Ðại Cử Tri sẽ nhóm tại Washington, D.C. vào Ngày Thứ Hai đầu tiên sau ngày Thứ Tư thứ nhì của tháng Mười Hai.

Hiến pháp Hoa Kỳ không buộc đại cử tri phải bỏ phiều cho ứng viên của đảng mình.

Phiếu của các đại cử tri sẽ được đếm và xác nhận trước một buổi họp lưỡng viện vào đầu Tháng Giêng.

Ứng viên T.T. và P.T.T. nào được đa số phiếu (270) thì được xác nhận là trúng tuyển.

Trường hợp không có ứng viên nào nhận được đa số phiếu thì Hạ Viện sẽ lựa chọn giữa ba ứng viên nào có số phiếu cao nhất. Còn P.T.T. sẽ do Thượng Viện bầu trong số hai ứng viên có số phiếu cao nhất.

Thể Thức Ðầu Phiếu

Hoa Kỳ sử dụng thể thức đầu phiếu kín.

Phiếu được chính quyền biên soạn, phân phát, và đếm.

Có hai loại phiếu bầu trong kỳ Tổng Tuyển Cử: phiếu liên danh (office-block ballot) và phiếu liệt kê (party-column ballot).

Trong phiếu liên danh, tên các ứng viên được liệt kê thành một nhóm dưới danh hiệu của mỗi chúc vụ. Lá phiếu này có ý nghĩa bầu cho chức vụ hoặc cho cá nhân hơn là cho đảng.

Trong phiếu liệt kê, các ứng viên cho chúc vụ được liệt kê thành một cột dưới danh hiệu của đảng. Phiếu bầu này có ý nghĩa bầu cho đảng hơn là cho chức vụ hay cho cá nhân.

Kiểm Phiếu và Tránh Gian Lận

Các viên chức tuyển cử địa phương và tiểu bang lập bảng kết quả của mỗi cuộc bầu cử ssau khi các phòng phiếu đã đóng.
Dù hầu hết các phiếu được kết toán bằng điện toán, cũng có thể có sự bầu cử gian lận. Ðể giảm thiểu gian lận, các hội đồng kiểm phiếu được thiết lập để nhận và kiểm phiếu, rồi gửi kết quả cho giới chức kiểm phiếu tiểu bang. Ngoài ra, mỗi đảng có thể chỉ định những quan sát viên bầu cử (poll watchers).

Ghi Danh Cử Tri và Cách Thức Bỏ Phiếu

Là công dân có thiện chí thì nên ghi danh đi bầu, đừng nghĩ rằng một lá phiếu của mình sẽ chẳng có giá trị gì. Trong thực tế, một lá phiếu quyết định tương lai chính trị của một ứng cử viên. Tổng Thống Abraham Lincoln phát biểu: “Lá phiếu mạnh hơn viên đạn” (The ballot is stronger than the bullet”. Ðặc biệt đối với người Việt, càng có nhiều lá phiếu, cộng đồng Việt sẽ được chính khách Mỹ quan tâm tới nhiều hơn.

Có nhiều cách ghi danh để làm thẻ cử tri. Trước hết, bạn phải là công dân Hoa Kỳ và đủ 18 tuổi hay hơn và có địa chỉ cư trú.
Mẫu đơn ghi danh có để tại thư viện, bưu điện, các cơ quan thiện nguyện, và nơi cấp bằng lái xe (DMV). Có thể gọi phôn miễn phí số 1- 800 – 345 – VOTE để xin mẫu đơn hay vào website: http://www.easyvoter.org

Trong đơn, bạn có thể ghi đảng mà bạn muốn gia nhập. Không có lệ phí gì cả. Bạn có quyền đổi đảng bất cứ lúc nào và chỉ cần báo cho cơ quan phụ trách bầu cử ở địa phương (có số phôn ghi trên thẻ cử tri).

Mỗi khi di chuyển đến nơi khác, nhớ phôn cho cơ quan bầu củ địa phương để đổi thẻ cử tri trên thẻ có ghi địa điểm bầu cử gần chỗ bạn cư ngụ. Thường nơi này là một trường học. Bạn cũng có thể liên lạc làm thiện nguyện tại đó trong ngày bầu cử.

Vào phòng phiếu, bạn sẽ được hướng dẫn cách chọn ứng cử viên để bỏ phiếu.

Nếu đi xa, bạn có thể bầu cử bằng “bầu vắng mặt”: bạn điền phiếu và gửi qua bưu điện trước ngày bầu cử một tuần.

Nếu bạn cao tuổi và không đến phòng phiếu được, bạn gọi điện xin “bầu sớm” (early voting). Phiếu bầu sẽ được gửi đến cho bạn điền và gửi đi.

Lựa Chọn Ứng Cử Viên

Ðối với người Việt nói chung, ít người biết nên bầu cho ai vì đâu có dịp tiếp xúc hay tìm hiểu cặn kẽ về ứng cử viên đâu? Tuy nhiên nếu theo rõi báo chí hay thân hữu bán tán thì cũng có thể “biết” được đôi chút.
Riêng đối với cuộc bầu Tổng Thống và P.T.T. thì có nhiều bài bình luận đầy đủ để chọn lựa.

Ða số người Việt bỏ cho người thuộc đảng Cộng Hòa vì họ nghĩ đảng Cộng Hòa quan tâm nhiều đến vấn đề chống Cộng Sản chủ nghĩa một cách tích cực hơn. Sau đây là vài nét cơ bản để hiểu về một số đảng ở Hoa Kỳ.

Ngày Tuyển Cử Bầu Ðại Cử Tri
hay Ðoàn Ðại Cử Tri (Electoral College)

Sau khi Ðại Hội Ðảng chấm dứt, các ứng viên Tổng Thống và Phó Tổng Thống sẽ đi vận động trong đó thường có những buổi tranh luận giữ các ứng viên Tổng Thống và Phó Tổng Thống nhằm mục đích thuyết phục dân chúng bỏ phiếu cho các đại biểu cử tri tức là đại cử cử tri (elector).
Ngày tuyển chọn đại cử tri là ngày Thứ Ba Ðầu Tiên của tháng Mười Một (năm nay: Nov. 4, 2008)

Bầu Tổng và Phó Tổng Thống
Ðoàn Cử Tri (Electoral College)

Cử tri của mỗi bang bầu ra đại diện cử tri và gọi là đại cử tri (elector). Tập hợp các đại cử tri gọi là Ðoàn Cử Tri, và Ðoàn này sẽ bầu TT và PTT dựa trên các danh sách TT và PTT của các đảng đưa ra. Ðạo luật II, Khoản 3, của Hiến Pháp vạch ra những chi tiết về con số và cách tuyển chọn đại cử tri (electors).

Mỗi bang, trong mỗi năm bầu cử, tuyển lựa đại cử tri dựa theo luật của tiểu bang và của bộ máy đảng.

Phần lớn các bang lựa đại cử tri bằng đại hội đảng.

Riêng Cali, Quận Columbia, Florida, Louisiana, Massachusetts, Missouri, Montana, New Jersey, New Yolk, Pennsylvania, South Carolina, và Tennessee thì bằng Ủy Ban Trung Ương Ðảng; tại Arizona và Maryland thì lựa chọn bởi đảng.

Sau đại hội toàn quốc, các đại cử tri tuyên bố cam kết với ứng cử tri đã chọn lựa.

Tổng số đại cử tri là 538 vị, bằng với số 100 thượng nghị sĩ, cộng 435 dân biểu, cộng 3 đại cử tri của Quận Columbia. Như vậy, mỗi bang có số đại cử tri bằng với số đại biểu của bang tại thượng và hạ viện HK.

Các ứng viên đại cử tri thường được ghi ra thành những bảng danh sách ứng cử. Nếu đa số cử tri (dân chúng) chọn một bảng danh sách đại cử tri, thì những đại cử tri trên danh sách sẽ tuyên bố cam kết bỏ phiếu vào ngày Thứ Hai sau ngày Thứ Tư thứ nhì của Tháng Mười Hai .
Lưu ý: Hiến Pháp HK không buộc đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng viên của đảng của mình.

Phiếu của đoàn cử tri được đếm và xác nhận trước một buổi họp lưỡng viện và đầu Tháng Giêng.

Ứng cử viên TT và PTT nào được đa số phiếu (270) thì được xác nhận là trúng tuyển.

Trường hợp không có ứng viên nào nhận được đa số phiếu thì sự lựa chọn TT sẽ do Hạ Viện lựa giữa ba ứng viên có số phiếu cao nhất. Còn PTT thì do Thượng Viện lựa trong số hai ứng viên có số phiếu cao nhất.

Toàn bộ tiến trình bầu cử như sau:

Ngày Tổng Tuyển Cử (General Election) là Ngày Thứ Ba đầu tiên Tháng Mười Một: toàn cử tri bầu đại cử tri.

Ðoàn Ðại Cử Tri: ngày Thứ Hai đầu tiên sau Thứ Tư thứ nhì của Tháng Mười Hai, đại cử tri của các bang tuần tự bầu TT và PTT.

Nếu ứng viên TT và PTT nào nhận được ít hơn 270 phiếu, thì Hạ viện và Thượng Viện sẽ chọn ứng viênTT và PTT nào có số phiếu cao nhất.

Chức vụ Tổng Thống là một chức vụ cao quý nhưng trách nhiệm lại rất nặng nề và đầy thử thách vì trách nhiệm đó bao trùm cả thế giới do tư cách là đại cường quốc số một. Tuy nhiên, người Mỹ vốn say mê làm những chuyện nhiều thử thách cam go. Chỉ mới trong nhiệm kỳ đầu 4 năm, nhiều Tổng Thống Mỹ đã tỏ ra phong trần trông thấy. Thật là:

Ngày nào Tổng Thống lên ngôi
Bước vào Nhà Trắng tươi cười như hoa
Bốn năm thử thách phong ba
Tóc mai nhuốm bạc, làn da ngả vàng!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Discover WordPress

A daily selection of the best content published on WordPress, collected for you by humans who love to read.

Longreads

Longreads : The best longform stories on the web

The Daily Post

The Art and Craft of Blogging

WordPress.com News

The latest news on WordPress.com and the WordPress community.

%d bloggers like this: